Muốn thành công, hãy tư duy làm chủ ngay cả khi đang làm thuê. Chắc chắn, con đường sự nghiệp của bạn sẽ luôn tươi sáng!
Có một số bạn nhân viên hỏi tôi: làm thế nào để được thăng tiến trong công ty khi vị trí quản lý bao giờ cũng ít? Tôi thường không trả lời trực tiếp mà yêu cầu họ đánh giá xem, ai là người quản lý mà họ yêu thích, ngưỡng mộ và người đó có gì khác biệt?
Tôi nhận được nhiều câu trả lời, đại loại: người quản lý giỏi luôn hoàn thành công việc được giao, giúp đỡ người khác, hoà đồng…
Không sai! Nhưng một điều quan trọng về nhận thức mà tôi muốn chia sẻ, đó là: bạn hãy làm thuê với tư duy của người làm chủ! Tức là, luôn đặt mình vào vị trí của người làm chủ công ty để hành xử và làm việc. Người làm chủ hành động dựa trên 2 tiêu chí chính yếu: công ty kinh doanh có hiệu quả và phát triển bền vững!
Tôi may mắn được làm việc với những bạn quản lý có tư duy như vậy. Họ đã thể hiện “tư duy làm chủ” một cách rõ ràng, cụ thể:
– Với khách hàng lớn: sẵn sàng dành thời gian, công sức để trở thành người bạn thân thiết; lắng nghe, chia sẻ cả những điều riêng tư; tinh thần luôn hỗ trợ khách hàng để giúp họ lớn mạnh.
– Với nhà cung cấp: biết người, biết ta; đàm phán giá tốt nhất cho công ty nhưng vẫn chừa “cửa” cho đối tác sống để còn hợp tác lâu dài; không nhận tiền hoa hồng gây thiệt hại cho công ty.
– Với nhân viên dưới quyền: có ý thức xây dựng 1 tập thể đoàn kết, trong đó chú trọng đào tạo những người kế nhiệm xuất sắc, cho dù có thể họ sẽ không làm việc lâu dài ở công ty.
– Với cấp trên hoặc chủ công ty: tự tin, sáng tạo; luôn suy nghĩ và “hiến kế” các ý tưởng mới nhằm mang lại lợi nhuận cho công ty; quan tâm và đóng góp vào định hướng phát triển công ty trong tương lai!
– Và còn những biểu hiện khác như thái độ sống tích cực, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp, cư xử hoà nhã, luôn xung phong gánh vác những việc khó khăn…
Các bạn trẻ thường hỏi tiếp: nếu em làm tốt, có tư duy làm chủ nhưng không được ghi nhận, đãi ngộ không tốt hoặc bị đối xử tệ thì sao? Tôi nghĩ là không có sự nỗ lực, cố gắng nào là vô ích.
Nếu bạn xuất sắc và có tư duy, thái độ tích cực, “trời đất sẽ ghi nhận” và chắc chắn bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ở công ty này hoặc nơi khác. Vấn nạn lớn nhất hiện nay của các chủ doanh nghiệp không phải là thiếu ý tưởng kinh doanh mà là thiếu đội ngũ triển khai thành công ý tưởng đó! Vì vậy, những bạn trẻ có tư duy làm chủ luôn được chào đón!
Và qua quan sát, tôi nhận thấy rằng, vị trí tiếp theo của những bạn quản lý xuất sắc sẽ là nhận được trọng trách cao hơn trong công ty hoặc tiếp tục thăng tiến ở các công ty khác, kể cả trở thành founder doanh nghiệp của mình! Tôi tin, với tư duy này, họ có nhiều cơ hội để thành công và làm giàu!
Cho nên, dù bạn đang giữ vị trí thấp nhất trong công ty, hãy làm thuê với tư duy của người làm chủ! Chắc chắn, con đường sự nghiệp của bạn sẽ luôn tươi sáng!

1. Khi làm thuê:
Nói thiệt hồi xưa đi làm nhân viên của Unilever, Fujifilm, Bảo Minh CMG mình cũng thuộc dạng năng động, hành động làm việc cũng có thành tích. Nhưng mình toàn chạy theo sự chỉ đạo của sếp, làm việc tròn vai, hết trách nhiệm sếp giao. Nhưng để chủ động tư duy nhìn ra việc để làm thì không có, lo mà làm hoàn thành chỉ tiêu sếp giao là đã ngất rồi.
2. Khi làm chủ:
Bây giờ làm doanh chủ, đi đâu nhìn công việc gì của ai mình cũng thấy có quá trời thứ để làm một cách chủ động, nhưng mà tại sao nhân viên của họ không chủ động nghĩ ra như vậy để làm à.
Ví dụ: Bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty, nhân viên chẳng biết làm gì nhiều ngoài việc tiếp nhận than phiền khiếu nại rồi chuyển thông tin. Sao họ không xây dựng các tiêu chuẩn chăm sóc khách hàng, các hành động cụ thể như là hỏi thăm khách hàng sau vài ngày đã mua hàng rồi có hài lòng về cách phục vụ của nhân viên giao hàng không? Họ sử dụng có thành thạo không? Có cần hướng dẫn sử dụng gì không?
Xây dựng những chương trình chăm sóc khách hàng, thông kê xem có bao nhiêu khách hàng thoả mãn, bao nhiêu khách hàng hài lòng, bao nhiêu khách hàng chưa thoả mãn…và có giải pháp cho từng đối tượng khách hàng, xây dựng tiêu chí cho từng cấp độ hài lòng của khách hàng.
Thật ra việc chăm sóc khách hàng là một phần của hoạt động marketing, bán hàng nhằm làm cho khách hàng yên tâm, hài lòng để quay lại mua hàng lần sau khi họ có nhu cầu…
Bộ phận chăm sóc khách hàng là xây dựng chiến lược định hướng có được hệ thống khách hàng trọn đời. Chi phí chăm sóc duy trì khách hàng thấp hơn chi phí tìm khách hàng mới.
Và nhiều chức năng khác, nhiều công việc khác tôi cũng thấy vậy.
Vậy mà khi tôi làm khảo sát phân tích nhu cầu đào tạo ở các công ty khách hàng của tôi, hầu hết nhân viên, các quản lý cấp trung của các công ty đều cho rằng họ không thấy họ yếu gì, không cần phải tham gia training kỹ năng bổ sung gì…

3. Kết luận:
1. Người ta làm lâu càng lâu sức ì càng lớn, biết quá sâu chuyên môn tác thuật hàng ngày thì không còn sáng tạo, cũng không có động lực để làm nhiều hơn.
2. Người càng làm sâu chuyên môn mà thiếu kỹ năng mềm thì càng thiếu phương pháp làm việc mà chỉ tập trung chạy theo công việc giải quyết sự vụ.
3. Ông chủ càng giỏi chuyên môn thì nhân viên càng ít sáng tạo và thiếu chủ động. Vì chạy theo đáp ứng cái công việc ông chủ giao thôi đã đuối.
4. Nhân viên càng làm lâu càng bị bệnh tự phụ chỉ tư duy trong chiếc hộp mà không nhìn thấy xa ở phía trước và bên ngoài đang thay đổi từng ngày.
Tác giả: Hồ Minh Chính, Nguyễn Tuấn Quỳnh