Trong một màn gọi vốn của chương trình Shark Tank, Shark Liên đã từ chối đầu tư cho một startup về Thể thao điện tử với lý do: “Tôi cực ghét việc chơi game, ai mà nướng thời gian trên màn hình là tôi không thích”.
Trong tập 3 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, màn gọi vốn của start up Divine Esports nhận được nhiều sự chú ý.
Theo đó, Divine Esports với founder Đăng Công và co-founder Thu Đông tới kêu gọi 3 tỷ đồng cho 5% cổ phần.
Các hoạt động chính của start up này bao gồm: cung cấp, phân phối game bản quyền và các sản phẩm eSport; đào tạo, quản lý game thủ chuyên nghiệp; tổ chức sự kiện và các giải đấu eSport.
Bên cạnh đó, đội tuyển Divine Esports từng vô địch PUBG Đông Nam Á 2019, Giải đấu PlayerUnknown’s Battlegrounds PewPew Championship, JIB PUBG Southeast Asia Championship 2018.

Ngoài việc giới thiệu tiềm năng của ngành eSport, start up này còn nhấn mạnh việc Divine Esports không chỉ là dự án kinh doanh mà còn nhắm vào việc giáo dục giới trẻ chơi game văn minh và đúng cách.
Phần lớn Shark lo ngại dự án này sẽ gián tiếp cổ vũ một bộ phận thanh thiếu niên chơi game quá độ, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập. Bên cạnh đó, việc định hướng, ảnh hưởng tích cực đến một cộng đồng chơi game không phải là chuyện đơn giản.
Cuối màn gọi vốn, Shark Liên quyết định không đầu tư vào Divine Esports. Bà chia sẻ: “Tôi cực ghét chơi game, khi mà nướng thời gian trên màn hình là tôi không thích. Bất kể là ai, tôi nhìn thấy là tôi khó chịu”.
Bên cạnh đó, bà thẳng thắn chia sẻ lĩnh vực này không nằm trong định hướng của mình và không khiến bà thấy hứng thú.
Các Shark còn lại cũng lần lượt từ chối đầu tư cho Divine Esports.
Sau khi chương trình phát sóng, có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh màn gọi vốn này. Nhiều người nhận định eSport là lĩnh vực quen thuộc tại nhiều nước trên thế giới song khá mới lạ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ý kiến của “bà ngoại” được nhiều người cho là khá bảo thủ và định kiến về ngành công nghiệp game này. Bên cạnh đó, dù bà không quyết định đầu tư cũng không nên nói lời “cay đắng” với nhóm start up như vậy.
Trong khi đó, số khác nhận định các Shark là người có kinh nghiệm, tầm nhìn, họ có đủ khả năng để đánh giá tiềm năng của một dự án và đưa ra nhận xét.
“Có thể thấy đơn giản là các Shark này chủ yếu đầu tư những lĩnh vực truyền thống, còn những lĩnh vực phi truyền thống như thế này thì các Shark còn khá khắt khe”, Hoàng Sơn bình luận.
“Mình cũng không cổ xúy cho eSport lắm, mặc dù đã chơi game được 6 năm rồi. Biết bao nhiêu gamer thất bại, những người thành công là bao nhiêu, con đường không đẹp. Vẫn khuyến khích mọi người học tập, rèn luyện thể chất, ngồi coi livestream bản thân mình thấy cũng mất thời gian”, Lio Pham nhận xét.
Bên cạnh đó, một số dân mạng nhận định màn thể hiện của Divine Esports chưa thực sự nổi bật, khó thu hút các nhà đầu tư rót vốn.
Các shark có quá bảo thủ với một ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng?
Dân mạng có tên Tèo Văn Trần chia sẻ: “Các shark vẫn còn nhiều tư tưởng nặng nề định kiến về chơi game hay gọi một cách văn hoa là thể thao điện tử e-sports. Trong khi Hàn với Trung và cả Châu Âu, thể thao điện tử phát triển ầm ầm. Doanh thu như nước, lợi nhuận như mưa.
Shark Liên, bà ngoại, có tuổi rồi, định kiến thì đã đành. Shark Hưng thì liên tục nói là thể thao điện tử phải vận động. Không hiểu nổi. Các bạn đã bao giờ chơi cờ chưa (cờ vua, cờ tướng,…). Các môn này được công nhận là thể thao, thì tại sao chơi game không được công nhận là thể thao. Chơi cờ thì cũng chỉ ngồi một chỗ, suy nghĩ rồi ra các nước cờ. Khác quái gì chơi game điện tử đâu.“

Tương tự, bạn Mai Thuỷ Tiên cũng cùng chung ý kiến: “Ở Thụy Điển, Na Uy, người ta đưa E-sports và giảng dạy như một môn học mà ngoài mục đích giải trí còn tăng kỹ năng giao tiếp hoạt động nhóm và khả năng phân tích, xử lý tình huống bất ngờ. Hàn Quốc có hẳn các sân vận động riêng cho E-sports, kênh truyền hình riêng và cả ngành học riêng cho game thủ. Các ông lớn như CJ, Samsung, Tencent đều có các đội thi đấu của riêng mình, không chỉ ở một game mà ở rất nhiều game. Thế giới đã và đang thay đổi suy nghĩ về game, vì sao Việt Nam cứ để tư duy bị giới hạn bởi sự bảo thủ?
Divine chưa thật sự thuyết phục và cũng không có gì mới mẻ?
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng sở dĩ việc Divine E-sports thất bại là vì doanh thu của họ phần lớn đến từ việc phân phối – bán key game nhưng lại không phải là đại lý chính thức, phải qua trung gian nên sẽ phát sinh nhiều vấn đề rủi ro trong kinh doanh. Ngoài ra, việc hai founder không tập trung nói đến lợi nhuận mà lại lái sang vấn đề giáo dục game thủ là điều khá xa xôi và không thực tế:
Giang Gy bình luận: “Tìm đầu tư cần tìm đúng người. Hướng tới thể thao thì cứ nói là thể thao, bẻ lái sang giáo dục chiều lòng các shark làm gì để rồi lại đưa mình vào ngõ cụt.“
Duc Hai Nguyen chia sẻ: “Game là ngành công nghiệp tỷ đô nhưng đó chỉ dành cho các công ty lớn sản xuất và quản lý game. Ngay cả hệ thống streamer game nữa tiền phần lớn là rơi vào các nền tảng stream chứ streamer nổi tiếng tý có tiền là dựa vào các hợp đồng quảng cáo hay tuyên truyền. Các bạn muốn đào tạo game thủ nhưng không chỉ ra được lợi nhuận nó nằm đâu thì tất nhiên không ai dám đầu tư rồi”.

Ngoc Hai bày tỏ quan điểm: “Shark Hưng là một người rất tỉnh khi ông nói với Divine shop là:” Bạn không phải đại lí chính thức “. Khi bạn không phải đại lí chính thức, bạn chịu sự quản lí từ chính sách bên ngoài, thì với tấm gương một số đơn vị ở Việt Nam đã bị chơi 1 vố thì chắc chắn các shark sẽ rất ngại đầu tư vì không hề an toàn“.
An Chi bình luận: “Các bạn nghe các shark nói rồi đấy. Ngoài việc đào tạo game thủ rất mông lung thì xét về việc phân phối game, Devine cũng chẳng có lợi thế cạnh tranh so với 3 đơn vị lớn khác ở Việt Nam. Ý tưởng của startup này thực ra chẳng có gì mới mẻ. Vậy nên không đầu tư là đúng rồi.”
Còn bạn, bạn nghĩ sao về sự thất bại của Devine trong màn gọi vốn này?
Theo Zingnews, Kenh14