Chán việc văn phòng lương lẹt đẹt, 2 nữ cử nhân rủ nhau đi bán ốc, thu nhập 35 triệu/tháng: Còn trẻ, cứ va vấp và dám chấp nhận thất bại!

Công việc văn phòng không đem lại niềm vui, hai nữ cử nhân Đại học Sư Phạm Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội đã quyết định thuyết phục bố mẹ để tự kinh doanh quán ốc.

Trong suy nghĩ của phần đông phụ huynh hiện nay, vẫn có rất nhiều người mong con cái mình có một công việc văn phòng, không phải vất vưởng ở ngoài chịu thời tiết thất thường, lương tháng ổn định, sau đó lập gia đình.

Tuy nhiên, những đứa con luôn biết chúng cần gì và muốn gì bởi một đứa trẻ có đầu óc kinh doanh thì sẽ khó lòng chịu ngồi bàn giấy làm việc hay có khả năng giao tiếp thì sẽ không muốn ngày ngày chỉ đối diện với màn hình máy tính.

4 năm đại học chính là thời gian để “những đứa trẻ” trong mắt bố mẹ được thử sức, tìm hiểu xem điểm mạnh điểm yếu của mình là gì, mình phù hợp với ngành nghề nào, mình yêu thích cái gì, mình cần cải thiện bản thân ra sao…

Chán việc văn phòng, lương lẹt đẹt, 2 nữ cử nhân đại học rủ nhau đi bán ốc, thu nhập 35 triệu/tháng: Còn trẻ, cứ va vấp và dám chấp nhận thất bại! - Ảnh 1.
Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ.

Tiếp nối câu chuyện của chàng trai cựu sinh viên NEU ấp ủ mở quán bún riêu, thu nhập 70 triệu/tháng mặc gia đình phản đối , câu chuyện của hai cựu sinh viên HNUE và HLU cũng là tiếng lòng của nhiều bạn trẻ mong được bố mẹ ghi nhận công sức.

Không phải ai cũng có những con đường thành công giống nhau. Thực chất, mỗi chúng ta là những cá thể khác biệt, vì thế chúng ta sử dụng những kĩ năng, khả năng khác nhau và đạt được mục tiêu đề ra theo cách của riêng mình.

Gia đình có phản đối, nhưng sau đó, vì tình yêu và lòng bao dung với đứa con, bố mẹ sẽ luôn hiểu và ủng hộ con cái mình từ phía sau mà thôi.

“Mấy ngày vừa qua, mình có đọc được bài một anh học Kinh tế xong về bán bún riêu, mình lại muốn tâm sự chuyện của mình với con bạn. Mình dân HNUE (Đại học Sư Phạm Hà Nội), con bạn thân thì dân HLU (Đại học Luật Hà Nội). Lúc đầu thì cũng chẳng có ý tưởng gì đâu, chỉ là hai đứa là hai con nghiện ốc.

Từ cấp 3 đến lúc lên đại học cứ rảnh rỗi là vác nhau đi ăn ốc, ăn đủ các quán, từ rẻ đến đắt, đôi khi trong đầu nhen nhóm ý tưởng sau này sẽ về bán ốc với nhau nhưng rồi lại quay ra cười với nhau bảo “Con điên, bao nhiêu việc không làm về bán ốc”.

Vậy mà buồn cười ở chỗ, mình sau khi ra trường thì về quê xin đi làm hợp đồng để chờ xem có vị trí nào nhà nước thi vào (làm hợp đồng mà cũng phải mất tiền cơ), còn con bạn ở lại Hà Nội để làm về tư vấn luật, cả hai đều thấy chán.

Mình thì lương lẹt đẹt, rồi vị trí tốt không thi được, con bạn thì cũng cù bất cù bơ, mỗi chỗ làm một thời gian xong cũng chẳng đâu vào đâu. 

Đến Tết năm ngoái, hai đứa gặp nhau, hỏi về công việc, cuộc sống, cả hai con đều thấy nản, môi trường công việc không hợp, tương lai cũng mù mịt nên cuối cùng quyết định liều mình thử kinh doanh và ý tưởng nảy ra ngay trong đầu khi đó là mở một quán bán ốc như kiểu ở Hải Phòng, có đủ các loại ốc cơ bản thêm cả ốc biển, trứng cút, nem (quán ốc nhưng vẫn có thêm chút đồ ăn vặt khác) với lại nhà con bạn người ta đang thuê buôn bán thì trả lại mặt bằng nên 2 đứa cũng tính kinh doanh luôn. 

Hai đứa mất gần 2 tháng để đi tìm hiểu gồm tìm nguồn hàng, tìm quy trình, học cách pha nước chấm, chi phí để mở quán ốc… đại loại tất cả những gì cần cho việc kinh doanh một quán ốc. Cùng thời gian đó, hai đứa về thuyết phục gia đình cho kinh doanh, lúc đầu bố mẹ chửi là “Chúng mày bị điên, rủ nhau làm mấy cái linh tinh, công ăn việc làm ổn định không thích, thích về bán ốc”.

Sau thuyết phục được, bố mẹ cho 2 năm, nếu 2 năm không kinh doanh được thì tiếp tục đi làm theo lời của bố mẹ vì con gái thì nên cần một công việc ổn định sớm. 

Cuối cùng, sau 2 tháng chúng mình đã setup thành công một quán ốc, mặt bằng là ngay nhà đứa bạn, nhà nó mặt đường chính, đông người qua lại, trả tiền thuê đàng hoàng cho bố mẹ nó. Và điều chúng mình không thể ngờ tới là ngay tháng đầu tiên đã có lãi, không như lời mọi người hay nói là có thể mấy tháng đầu sẽ lỗ. Lãi hẳn 12 triệu chia 2 đứa. 

Đến những ngày sau đó 2 đứa chạy thêm marketing bằng cách nhờ người quen giới thệu, chạy ads Facebook (phần lớn) thì lượng khách đông lên, phải thuê thêm 1 nhân viên nữa, mỗi ngày bắt đầu đút túi được 500k, 600k rồi 800k, 1 triệu, hơn 1 triệu 1 ngày.

Nhất là mấy ngày mùa đông năm vừa rồi, mùa đông nhiều người đi ăn ốc kinh khủng, phải thuê thêm 2 nhân viên, thu nhập 1 tháng có khi lên tới gần 40 triệu, tháng cao nhất được 39,2 triệu chia 2 mỗi đứa 1 nửa, đợt dịch này không tính vì ai cũng phải đóng cửa, mình mới mở lại. 

Chán việc văn phòng, lương lẹt đẹt, 2 nữ cử nhân đại học rủ nhau đi bán ốc, thu nhập 35 triệu/tháng: Còn trẻ, cứ va vấp và dám chấp nhận thất bại! - Ảnh 3.

Đến lúc ấy thì bố mẹ không còn bắt ép hai đứa làm công việc theo ý bố mẹ nữa, bố mẹ để cho 2 đứa mình thích làm gì thì làm, còn nói là “Thôi hai đứa làm cái gì mà hai đứa thích, hai đứa đam mê cũng được, nhưng đừng có làm gì phạm pháp với trái đạo đức” ý là không được làm đồ bẩn, đồ hỏng, tất nhiên, chúng mình không có chuyện đó. 

Giờ trung bình quán được 33 – 35triệu/1 tháng, chia ra mỗi đứa hơn 15, ở Hà Nội thì số tiền đó là không nhiều nhưng ở tỉnh thì lại là một con số đáng mong đợi, và hơn hẳn so với lương của một đứa đi làm hợp đồng nhà nước, một đứa cù bất cù bơ đi tư vất luật nhiều.

Hơn hết, chúng mình thấy vẫn còn mở rộng thêm được cơ sở, nhiều người từ xa đến ăn còn nói cho góp vốn nhưng không, chúng mình sẽ tự mở thêm, mà tính là mở thêm chắc 1, 2 cơ sở nữa rồi cũng tính nhượng quyền nếu có thương hiệu. 

Nghĩ lại thì 2 đứa mình không chuẩn bị sẵn từ trước, mà lại do tự bản thân cảm thấy không thích hợp, không đam mê với công việc đang làm nên liều mạng một phen. Chắc cũng do cái duyên bán hàng nên mới được như vậy chứ đâu phải ai cũng thành công. 

Kết: Chỉ muốn nói đơn giản là nếu còn trẻ, có đam mê kinh doanh, chấp nhận thất bại thì cứ thử vì đến khi lập gia đình rồi có con, sẽ khó mà có thời gian, sức khoẻ như lúc còn trẻ lắm, vì lúc đó là phải hướng về gia đình rồi!”

Theo Trí thức trẻ

Related Posts

Nữ tỷ phú “ngoi” lên từ đáy xã hội, biến rác thành “vàng”: Xuất thân có thể tầm thường nhưng năng lực phải phi thường, giàu hay nghèo không phải tại số

Bà Zhang Yin xuất phát điểm từ tầng lớp thấp, có thể nói là dưới “đáy xã hội”. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng gắn liền…

“Vua đạo nhái” Trung Quốc: Copy 3 mô hình startup của Mỹ khởi nghiệp đều thành công, trở thành tỷ phú USD mặc người đời chê “lười biếng”

“Vua đạo nhái” Wang Xing khẳng định “sáng tạo không quan trọng, quan trọng là sao chép thông minh”. Doanh nhân Wang Xing là nhà sáng lập…

Hành trình lập nghiệp của Shark Lê Hùng Anh: Cậu bé phụ hồ khởi nghiệp nhờ xem phim Hàn, từng 7 lần thất bại, 35 tuổi đã có 13 năm điều hành tập đoàn đa quốc gia

Để có được thành công như ngày hôm nay Shark Lê Hùng Anh từng thất bại 7 lần. Đằng sau ý tưởng khởi nghiệp của ông đến…

Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: Rất nhiều người Việt khởi nghiệp thất bại vì đều muốn làm ông chủ, làm giám đốc

Nhiều người Việt đang hiểu sai về bản chất của khởi nghiệp, mong muốn trở nên giàu có kiếm thật nhiều tiền, để mình thành giám đốc, làm…

Chân dung người “con nuôi” thừa kế đế chế LG hàng trăm tỷ USD: Chuẩn con nhà người ta, phá vỡ quy tắc để kết hôn với “thường dân”

Các Chaebol ở Hàn Quốc vẫn giữ vững truyền thống cha truyền con nối, LG một trong 5 Chaebol lớn nhất của Hàn không phải là ngoại…

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương: Nếu đủ hết các nguồn lực mà không có tâm thì cũng sẽ thất bại, hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương từng nêu quan điểm: “Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ…